1. Giai đoạn xây dựng VHDN
Xây dựng VHDN tốt nhất là thực hiện trong khuôn khổ một đề án/dự án đã được cấp quản trị cao nhất của DN phê duyệt. Giai đoạn đầu tiên có mục tiêu xây dựng nền tảng tinh thần và các yếu tố vật chất cơ bản, thiết yếu của một hệ thống VHDN.
Theo mô hình lý thuyết Kim tự tháp của GS. Edgar. Shein thì hệ thống này gồm 3 tầng: Tầng trên cùng của VHDN là các cấu trúc có tính vật chất hoặc hữu hình dễ nhận biết như kiến trúc, trang phục, logo, slogan, hành vi giao tiếp… Tầng giữa của tháp là các tư tưởng, giá trị tinh thần cốt lõi của DN (sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi). Tầng đáy của tháp được ví như phần chìm của tảng băng khó quan sát là các ngầm định nền tảng, tạo nên niềm tin, các hành vi, thói quen có tính mặc nhiên của nguồn nhân lực, nó thể hiện ở nội hàm tầng giữa đã được hiện thực hoá trong hành động, tư duy của mỗi người lao động trong DN.
Mục tiêu của đào tạo trong giai đoạn này là cung cấp kiến thức cơ bản, hệ thống và chuẩn mực nhằm nâng cao nhận thức chung về VHDN và tìm hiểu đặc điểm văn hoá của DN phục vụ cho công việc xây dựng, chuẩn hoá hệ thống VHDN của tổ chức. Đối tượng đào tạo cần thực hiện từ cấp quản trị từ trên xuống dưới. Phương pháp đào tạo thông dụng là tập trung trên hội trường kết hợp với hình thức online chất lượng cao. Hình thức đào tạo workshop - toạ đàm, hỏi đáp, trao đổi trực tiếp với nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là với người sáng lập lãnh đạo cao nhất của DN, có vai trò quan trọng nhất trong công việc này. Đối với một tập đoàn lớn như EVN, người đứng đầu đơn vị là người có trách nhiệm truyền cảm hứng, đào tạo cho cán bộ cấp dưới về VHDN sau khi đã nghiên cứu bộ tài liệu Tập đoàn, Tổng công ty biên soạn và công bố.
2. Giai đoạn triển khai, phát triển VHDN vào trong hoạt động kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng
Mục tiêu của giai đoạn này là hiện thực hoá, cụ thể hoá hệ thống tài liệu và sáng tạo hoá, đa dạng hoá các hình thức biểu hiện VHDN vào trong hoạt động và sinh hoạt cộng đồng của DN. Đây là giai đoạn khó khăn hơn, lâu dài, cần đầu tư nhiều hơn so với giai đoạn xây dựng hệ tài liệu về VHDN, nếu thực hiện không thành công VHDN sẽ chỉ là một công việc hay phong trào nhất thời, hình thức, đối phó. Vì vậy cần có kế hoạch hành động bài bản cho công việc này và quản trị thực hiện một cách nhân văn, khoa học, hiệu quả.
Đào tạo là một kế hoạch thành phần quan trọng của quá trình triển khai, phát triển VHDN có mục tiêu làm cho nó thấm sâu vào trái tim người lao động, tạo ra những con người mới, những hoạt động và sản phẩm, dịch vụ có mức độ chân - thiện - mỹ cao hơn giai đoạn trước.
Về nội dung và hình thức đào tạo cần triển khai sâu rộng hơn, phù hợp, thiết thực và phong phú hơn. Đối với các DN lớn cần chú trọng các công việc sau đây:
- Đào tạo bộ phận/đội ngũ “giảng viên VHDN nội bộ” xuất sắc tại DN bằng các khoá đào tạo có giảng viên là lãnh đạo tổ chức và mời chuyên gia từ bên ngoài, chú trọng phương pháp coaching (huấn luyện, kèm cặp)…
- Phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng nhóm “Đại sứ VHDN” từ nguồn nội bộ có khả năng đào tạo, truyền thông, truyền cảm hứng trong DN và đại diện cho DN trong các hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hoá, thực hiện trách nhiệm xã hội của DN.
- Dù ở quy mô, cấp quản lý nào, DN cũng cần coi trọng việc triển khai, phát huy và phát triển VHDN, trong đó đào tạo và truyền thông về VHDN có liên hệ chặt chẽ với nhau. Đồng thời quản trị việc đánh giá, khen thưởng và kỷ luật trong lĩnh vực xây dựng VHDN từ các cấp quản trị xuống nhân viên cần thực hiện một cách công bằng, đúng đắn, kịp thời, nề nếp.
3. Giai đoạn hoàn thiện và quản trị sự thay đổi của VHDN
Một hệ thống VHDN đã phát triển đến giai đoạn chín muồi, hoàn thiện, phát huy mạnh trong đời sống thì rất khó và ít thay đổi. Song quy luật phổ quát của thế giới là: Mọi sự đều thay đổi, chỉ có một thứ duy nhất không thay đổi đó là sự biến đổi. VHDN không phải là ngoại lệ. Thực tế cho thấy trong thời kỳ có những biến động rất sâu sắc như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại dịch COVID-19, nhiều DN lớn ở nước ta như Viettel, PVN, EVN đã có sự đổi mới, hoàn thiện một số nội dung, hình thức hoạt động và thể hiện VHDN cho phù hợp.
Công tác đào tạo cần có sự chuẩn bị và chủ động cho sự thay đổi này. Sự thay đổi này không phải là “thay cũ bằng cái mới” mà chỉ ở mức độ phát triển theo phương thức phát triển biện chứng tạo ra phiên bản hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh và điều kiện mới, như bổ sung một số giá trị cốt lõi, thay đổi logo, slogan, tăng cường hình thức đào tạo online, sử dụng các nền tảng số trong quản trị VHDN…
Có thể khẳng định đào tạo VHDN cần sự quan tâm, thực hiện từ cấp lãnh đạo cao nhất trở xuống sẽ tạo ra nền tảng tinh thần, chuẩn mực đánh giá và trợ lực phát triển mạnh cho sự phát triển bền vững của DN.