Những “kẻ đáng ghét” ấy đôi khi lại rất khôn khéo khiến sếp không nhận ra, còn bạn dù biết cũng đành chấp nhận. Dưới đây là 6 kiểu đồng nghiệp khó ưa và vài bí quyết giúp bạn “chung sống” hòa bình với họ trong công việc:
1. Người luôn bác bỏ ý kiến của mọi người
Những đồng nghiệp kiểu này luôn tìm cách “dập tắt” ý kiến của mọi người dù đúng hay sai.
Trong những buổi họp, khi mọi người đang bàn bạc rất sôi nổi và cố gắng để đưa ra những ý tưởng mới mẻ thì người này ngay lập tức tỏ thái độ và nói không với ý tưởng đó một cách tiêu cực.
Cách giải quyết: Những giải pháp hay nhất thường do nhiều ý kiến tổng hợp lại, vì thế bạn nên bỏ qua thái độ đó và tiếp tục buổi họp. Sau đó tìm thời điểm thích hợp để nói chuyện với đồng nghiệp đó.
Hãy khéo léo khi đưa ra những lời nhận xét và quan điểm của bạn.
2. Người chuyên “nẫng” tay trên công của người khác
Những đồng nghiệp này luôn đặt cái tôi của bản thân lên trên tất cả. Dù làm việc tập thể hay cá nhân thì họ luôn muốn nhận lấy tất cả thành quả đạt được. Đây là kiểu nhân viên rất tham vọng và muốn thăng tiến bằng mọi cách.
Cách giải quyết: Người này luôn đề cao cái tôi trong đội thì bạn hãy làm ngược lại. Bạn tôn trọng và luôn hòa nhập vào công việc tập thể.
Ví dụ, khi bạn nhận được lời khen từ sếp, hãy thể hiện sự cảm ơn của bạn tới những đồng nghiệp trong nhóm đã giúp đỡ bạn trong công việc trước toàn thể mọi người như: “Tôi khó có thể hoàn thành công việc này nếu không có sự giúp đỡ của…”.
3. Người chuyên sử dụng những từ ngữ hàn lâm
Dù là khi nói chuyện hay viết văn bản, người này luôn sử dụng những từ ngữ quá hàn lâm và không thông dụng. Việc này không những gây khó hiểu cho người nghe, người đọc mà đôi khi còn làm hỏng sự “trong sáng” của từ ngữ.
Cách giải quyết: Với những trường hợp này, khi nói chuyện hay đọc văn bản bạn cố gắng lược bớt những từ rườm rà không cần thiết và tập trung vào ý chính để tránh hiểu sai nội dung. Nếu có gì không hiểu bạn nên nói chuyện trực tiếp với người đó để nhận được sự giải thích và nếu có thể hãy góp ý để người đó sử dụng từ ngữ đơn giản hơn.
4. Người thiếu cẩn thận khi sử dụng email
Những người này dường như “nghiện” chức năng “trả lời tất cả”(reply all) trong hòm thư thay vì chỉ gửi tới những người cần thiết.
Điều này khiến những người nhận nhầm thư cảm thấy bực mình vì hòm thư luôn quá tải với những lá thư không cần thiết. Hơn nữa, những người này không đánh giá cao tầm quan trọng của các email, họ không nhận thức được rằng thông tin quan trọng của công ty có thể bị rò rỉ chỉ bởi sự bất cẩn của họ.
Cách giải quyết: Bạn có thể từ bỏ dần thói quen liên lạc bằng email với các đồng nghiệp trong văn phòng thay vào đó bạn có thể gọi điện hoặc gặp trực tiếp họ. Như vậy bạn sẽ không bị làm phiền bởi những thư “rác” như vậy nữa.
5. Người luôn gây phiền hà
Người này không hề có khái niệm gì về một môi trường công sở nghiêm túc: yên tĩnh và cần tập trung.
Khi người này không gây gián đoạn công việc bạn đang làm thì cũng họ lại đang nói chuyện điện thoại oang oang đâu đó trong phòng làm việc.
Cách giải quyết: Bạn đừng cố gắng đưa ra lời khuyên hay yêu cầu sếp quản lý chặt chẽ công việc của đồng nghiệp đó, tất cả chỉ vô ích thôi. Thay vào đó bạn nên tìm cách lảng tránh hoặc nói khéo mỗi khi người đó đến làm phiền bạn.
6. Người tẻ nhạt
Mọi lúc, mọi nơi với người này chỉ là công việc và bản thân họ. Họ không tham gia bất cứ một sự kiện nào của phòng và cũng không nói chuyện với các đồng nghiệp khác. Họ không thích bất kỳ bữa tiệc hay trò vui nào ở công ty và họ cho rằng các đồng nghiệp khác cũng nên như vậy.
Cách giải quyết: Bạn vẫn nên giữ thái độ và tinh thần vui vẻ với họ. Nụ cười luôn giúp chúng ta xây dựng nên các mối quan hệ và giảm căng thẳng khi làm việc. Nếu có thể, người đó sẽ tự nhận thấy cần phải thay đổi.