Chung sức giúp huyện nghèo vượt khó

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao hỗ trợ, giúp đỡ 3 huyện nghèo: Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ của tỉnh Lai Châu giảm nghèo nhanh và bền vững. Công ty Điện lực Lai Châu là đơn vị được EVN ủy quyền tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a. Đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi của 3 huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Phóng viên Báo Lai Châu Online đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Ngọc Lạc – Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu về những kết quả đã đạt được từ năm 2009 đến năm 2015.

Ông Cao Ngọc Lạc - Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu

PV: Xin ông cho biết về các hạng mục EVN cam kết hỗ trợ 3 huyện nghèo của Lai Châu theo Nghị quyết 30a của Chính phủ?

Ông Cao Ngọc Lạc: Các hạng mục EVN cam kết hỗ trợ cho 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu từ năm 2009 - 2015 được thể hiện qua 2 thỏa thuận hỗ trợ (Giai đoạn I từ năm 2009 - 2011, Giai đoạn II từ năm 2012 - 2015) giữa EVN và tỉnh Lai Châu, trong đó có: Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn tại tại 3 huyện để đạt mục tiêu 100% số xã và trên 90% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; đấu nối cấp điện đến tận các hộ dân, mỗi hộ được lắp đặt một bảng điện và 1 bóng điện; hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nghèo; xây dựng các Nhà bán trú dân nuôi tại các trường THCS; hỗ trợ giáo dục, xây dựng nhà trường "Dân tộc nội trú huyện Tân Uyên", xây dựng trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Nậm Sỏ, các nhà bán trú dân nuôi và hỗ trợ bảo hiểm Y tế cho các em học sinh; đào tạo cao đẳng nghề điện và bố trí việc làm cho con em các hộ nghè; đào tạo khuyến lâm, khuyến nông; hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp...

Ngoài ra còn các hỗ trợ khác do Đoàn thanh niên EVN thực hiện như hỗ trợ về: trang thiết bị y tế, đồ dùng học tập cho các em học sinh, tổ chức các chương trình thường niên "Xuân biên giới, Tết vì người nghèo, tiếp bước đến trường, phát thuốc, tặng quà chăm ấm cho các hộ nghèo...".

PV: Là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện công việc, Công ty Điện lực Lai Châu đã phối hợp với UBND các huyện nằm trong diện 30a triển khai thực hiện những nội dung mà EVN cam kết hỗ trợ như thế nào?

Ông Cao Ngọc Lạc: Sau khi thỏa thuận thực hiện chương trình 30a giữa EVN và UBND tỉnh, UBND các huyện được ký kết, Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) chương trình 30a và giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong BCĐ, đồng thời chú trọng công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện từ khâu rà soát loại hình, mô hình hỗ trợ sao cho đúng và trúng với nhu cầu thực tế của từng địa phương nhưng lại phù hợp với lợi thế của ngành Điện, qua đó tham mưu cho UBND tỉnh và EVN đưa vào thỏa thuận ký kết để thực hiện.

Bên cạnh đó, Công ty đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện để các bên có cơ sở thực hiện từ khâu lập duyệt, tổ chức thi công, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, thanh quyết toán giải ngân. Do đó, công việc được triển khai thuận lợi, nhịp nhàng đáp ứng về thời gian, tiến độ các mô hình, loại hình hỗ trợ sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của địa phương mà nhất là các hộ nghèo, đồng thời phát huy được hiệu quả đề ra.

PV: Ông có thể đánh giá những kết quả nổi bật các hạng mục EVN cam kết hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh?

Ông Cao Ngọc Lạc: Qua 6 năm thực hiện, chương trình hỗ trợ đã đạt được những kết quả nổi bật: Về chương trình cấp điện và mở rộng lưới điện nông thôn trên 3 huyện: Năm 2009 tỷ lệ số hộ được sử dụng điện khoảng 40%, đến nay số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia được nâng lên trên 93%. Số thôn bản có điện từ 56% đã tăng lên đạt gần 97% trên mỗi huyện; số xã có điện từ 70% đã tăng lên đạt 100%.

Các dự án cấp điện hoàn thành đưa vào sử dụng, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương và đơn vị hưởng lợi, qua đó góp phần rất lớn trong việc cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các hộ nghèo, nên được Nhân dân đánh giá cao.

Hoạt động sản xuất của người dân nông thôn chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ khi các công trình điện được đưa vào sử dụng, con em đồng bào các dân tộc đã có đủ ánh sáng và các điều kiện khác để học tập, nhờ đó chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học tại các địa phương đều được nâng lên. Có điện đã góp phần xây dựng củng cố mạng lưới y tế cơ sở, mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tốt hơn. Có điện nên việc mở rộng các hoạt động văn hóa thông tin truyền thông, dân trí được mở mang, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Điều đặc biệt là nhờ có điện đã tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp, người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất theo hướng phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Nhờ các Chương trình hỗ trợ đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên các huyện từ 5-6%/năm. Trong đó, huyện Phong Thổ giảm từ 53,01% (năm 2010) xuống còn 25,98% (năm 2014); huyện Tân Uyên giảm từ 46,7% (năm 2010) xuống còn 20,1% (năm 2014); huyện Than Uyên giảm từ 43,6% (năm 2011) xuống còn 19,6% (năm 2014). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng phi nông nghiệp, sản xuất hàng hóa, dịch vụ tương đối rõ nét, thu nhập đầu người tăng cao theo hàng năm (tăng bình quân khoảng hơn 1,7 triệu/năm).

PV: Thưa ông, trong quá trình triển khai, thực hiện các hạng mục chương trình, Công ty có gặp những khó khăn vướng mắc gì?

Ông Cao Ngọc Lạc: Trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn không nhỏ như:  Địa hình chia cắt phức tạp, mật độ dân cư sống không tập trung làm cho chi phí sản xuất, chi phí điện khí hoá bình quân/hộ dân thường cao hơn các khu vực khác trong cả nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là đường giao thông liên xã và giao thông nông thôn đến các thôn bản (nhiều thôn bản không có đường giao thông) do đó rất khó khăn trong công tác vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Trong công tác đền bù GPMB đầu tư xây dựng các dự án lưới điện, có lúc, có nơi chưa được sự quan tâm, ủng hộ của người dân và Chính quyền địa phương, nhất là những đoạn tuyến đi qua khu vực trồng cây cao su, rừng phòng hộ, dẫn đến kéo dài và chậm tiến độ thực hiện các dự án…

PV: Ông có kiến nghị gì với tỉnh để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giúp 3 huyện nghèo của tỉnh sớm ra khỏi huyện 30a?

Ông Cao Ngọc Lạc: Trong giai đoạn tiếp theo, để có thể triển khai hiệu quả các chương trình theo Nghị quyết 30a, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về công tác quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất, cấp phép cho các dự án công trình lưới điện đầu tư trên địa bàn cũng như các công trình nhà bán trú dân nuôi…

Các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống, để người nghèo, đồng bào các dân tộc ít người được tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc ít người, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

Trong việc bố trí nguồn vốn, cần được ưu tiên và bố trí kịp thời để thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo, ưu tiên cho các địa bàn; thực hiện triển khai các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả. Trên cơ sở các chính sách và Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo.

Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo cần được tổ chức thường xuyên ở các cấp, ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách; thông qua đó để hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thường xuyên tổ chức đa dạng, phù hợp các hình thức truyền thông về giảm nghèo để tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo. Phát hiện, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


  • 22/09/2015 09:45
  • Theo Báo Lai Châu Online
  • 1823


Gửi nhận xét