Chuyện về Toà tháp đôi EVN và vùng đất A10 "Địa linh nhân kiệt"

Toà nhà Tập đoàn Điện lực Việt Nam nằm trên mảnh đất của Nhà máy điện Yên Phụ trước đây, được xây dựng khá hiện đại với 2 toà tháp: Tháp 33 tầng và Tháp 29 tầng, tổng diện tích mặt bằng: 14.000m2.

Toàn cảnh tòa tháp đôi EVN được xây dựng trên mảnh đất của Nhà máy điện Yên Phụ trước đây (Ảnh sưu tầm)

Ngày xưa, vùng đất này có hồ Mã Cảnh, nằm trong khuôn viên của làng Trúc Bạch - Phường Trúc Bạch hiện nay.

Theo truyền thuyết, đất ở đây trồng rất nhiều cây trúc. Thời Trịnh Giang (nửa đầu thế kỷ XVIII) đã cho xây Tòa nhà “Trúc Lâm Viên”, làm nơi ăn chơi, nghỉ mát của Chúa Trịnh. Sau này dùng làm nơi giam giữ cung tần, mỹ nữ phạm tội.

Những cô gái bị lưu đầy đến đây phải tự dệt lụa kiếm sống. Lụa làng Trúc vừa đẹp vừa bền. Vì vậy, dần dần địa danh này được người dân truyền miệng gọi là Trúc Bạch ("bạch" là lụa).

Trúc Bạch còn có một hồ nước trong xanh, đẹp mê hồn nằm ở phía Tây bắc áp sát chợ Châu Long và phố Cửa Bắc hiện nay. 

Năm 1922, Thực dân Pháp cho lấp hồ, xây Nhà máy điện Yên Phụ.

Nhà máy nằm ở vị trí rất thuận lợi: Phía Đông là Nhà máy nước Yên Phụ, phường Phúc Xá, tiếp theo là bờ sông Hồng, rất tiện cho việc bốc dỡ than đưa về Nhà máy. Phía Đông nam là các phố: Phạm Hồng Thái, Quán Thánh và thành Cửa Bắc. Phía Tây là đường Thanh Niên, ngăn cách giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch.

Cả 4 hướng của khu đất đều rất thông thoáng, thuận tiện cho việc giao thông, đi lại hàng ngày. 

Ngót một thế kỷ qua, đã có biết bao sự kiện lịch sử hào hùng, bao mồ hôi, công sức và máu xương của những người thợ điện đã đổ trên mảnh đất này.

Nơi đây đã chứng kiến nhiều chiến công rực rỡ trong cuộc kháng chiến chống thực dân  Pháp xâm lược. Điển hình là sự kiện nổ mìn, phá máy làm mất điện trong ngày 19/12/1946, hỗ trợ quân và dân Hà Nội nổ súng “mở màn” cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp kéo dài 9 năm.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với 6 trận đánh phá ác liệt, tàn khốc của máy bay Mỹ, điển hình là ngày 21/12/1972: Nhà máy bị hủy diệt bằng bom La de, 2 công nhân đã anh dũng hy sinh, nhiều công nhân Nhà máy bị thương, nhà cửa, kho tàng bị máy bay B52 tàn phá.

Nhưng CBCNV Nhà máy vẫn giữ vững tinh thần “Quyết tử cho dòng điện quyết sinh” và đã khẩn trương phục hồi các thiết bị để có điện sớm nhất phục vụ Thủ đô chiến đấu và chiến thắng.

Ngoài ra, các chiến sĩ tự vệ Nhà máy đã tham gia lực lượng phòng không, bắn rơi máy bay, bắt sống phi công Mỹ (ngày 26/10/1967) và chỉ với 12 viên đạn của súng máy bộ binh 14,5mm đã bắn rơi một máy bay F4 (ngày 10/5/1972).

Nhiều máy bay Mỹ mỗi khi vào đánh phá Hà Nội rất “kiềng” tọa độ lửa của các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ đón đánh tại vùng hồ Trúc Bạch, Nhà máy điện Yên Phụ và cầu Long Biên.

Chính nhờ có quyết tâm và lòng dũng cảm, giữ cho dòng điện luôn tỏa sáng của cán bộ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể cách mạng, các ban ngành… đã về thăm, kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần bám lò bám máy, bám sát trận địa, nhanh chóng khôi phục sản xuất, để chiến thắng quân thù.

CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương khen thưởng, đặc biệt, Nhà máy được phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1996).

Nằm trên mảnh đất anh hùng, địa linh, nhân kiệt ấy, giờ là Tòa tháp đôi sừng sững của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Từ những năm đổi mới cho đến nay, phát huy truyền thống anh dũng của cha anh trong công cuộc dựng nước và giữ nước, CBCNV và người lao động Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều thành tích trong lao động sáng tạo, luôn đảm bảo đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước vững mạnh, trường tồn.


  • 04/03/2016 02:46
  • Nguồn bài: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3428


Gửi nhận xét