Giữ người tài trong doanh nghiệp, tổ chức: Đâu là yếu tố quyết định?

Vì sao doanh nghiệp, tổ chức luôn quan tâm đến chuyện chiêu mộ người tài? Chế độ lương, thưởng có phải là yếu tố quyết định để giữ chân nhân viên giỏi? Chia sẻ dưới đây của một số CBCNV ngành Điện sẽ cho thấy cách nhìn của họ xung quanh vấn đề này.

PV: Anh/chị đánh giá thế nào về việc các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn thậm chí có chiến lược đặc biệt để thu hút và giữ chân người tài?

Anh Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng phòng Công nghệ phần mềm, Công ty Công nghệ Thông tin Điện lực miền Bắc: 

Tôi cho rằng, doanh nghiệp giống như một đội bóng, nếu chỉ có các “cầu thủ nhàng nhàng” thì khó hướng đến thành công. Người tài trong doanh nghiệp giống như ngôi sao trên sân cỏ, trong một số tình huống, họ quyết định được thành bại của cả một đội bóng. Đó là lý do tại sao tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực luôn là khâu then chốt trong hoạt động của mọi doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Bình, chuyên viên phòng Tổ chức và Nhân sự, Công ty Điện lực Kon Tum:

Của quý luôn là của hiếm, tôi nghĩ vậy. Tìm và sở hữu những nhân viên có khả năng đặc biệt không dễ vì người tài thường có nhiều nhiều sự lựa chọn, nhiều lời mời hấp dẫn. Thế nên việc các tổ chức xây dựng chiến lược để thu hút, giữ chân người tài cũng là điều dễ hiểu. 

Anh Nguyễn Hoàng Tùng, chuyên viên Phòng Điều độ, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương, Tổng công ty Điện lực miền Bắc:

Trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thường thể hiện về mặt sản phẩm, kỹ thuật, công nghệ, phương pháp quản lý... Mọi thứ đó đều do con người tạo nên. Như vậy, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau, thực chất là cạnh tranh về con người, đặc biệt là người giỏi. Trong cạnh tranh, doanh nghiệp nào có người giỏi nắm được tri thức, kỷ luật, biết sáng tạo, thì doanh nghiệp đó đứng thế chủ động.

PV: Đâu là yếu tố làm cho nhân tài luôn gắn bó với doanh nghiệp?

Anh Nguyễn Minh Đức: Theo tôi, nhân tài không cần lương thưởng quá cao, nhưng phải xứng đáng với công sức bỏ ra. Vị trí quản lý cũng không phải là cái đích mọi người tài đều hướng tới vì không phải người tài nào cũng có năng lực quản lý. Cái họ cần chính là sự minh bạch, công bằng, đặc biệt là đối với người trẻ.

Chị Nguyễn Thị Bình: Trước tiên, khi doanh nghiệp muốn có người tài, cần đưa tiêu chí tài năng lên hàng đầu trong quy trình tuyển dụng. Một khi tuyển người tài cần có môi trường làm việc để họ có thể thi thố tài năng. Do đó, muốn thu hút được người tài thì vấn đề không chỉ ở chế độ đãi ngộ mà là môi trường làm việc trong đó cho phép họ có những quyền nhất định. Hay nói một cách khác là, "trách nhiệm đi đôi với quyền lợi". Cơ chế thu hút, giữ chân nhân tài không chỉ chú trọng đến chữ “Lợi” mà bỏ quên chữ “Quyền”.

Anh Nguyễn Hoàng Tùng: Người tài không thiếu, chỉ thiếu người biết sử dụng người tài. Nếu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực sự có “tài trí và công tâm”, chính họ sẽ có cách giữ chân người tài, có chuyên môn tốt bằng chính cái tâm, cái tầm của mình. Ngoài ra, cũng phải kể đến tham vọng của chính người tài và cơ chế sử dụng họ. Họ luôn cho mình là người giỏi nhất. Khi không được đối xử đúng mực, họ có thể sẽ rơi vào tình trạng chán chường, đầy tâm tư hoặc muốn rời bỏ cơ quan, đơn vị mà ta gọi đó là tình trạng “chảy máu chất xám”.

PV: Tại đơn vị anh/chị, công tác này được quan tâm như thế nào?

Anh Nguyễn Minh Đức: Tôi nghĩ đây là vấn đề doanh nghiệp nào cũng quan tâm và NPCIT không nằm ngoài quy luật này, nhất là trong ngành nghề của chúng tôi, một ngành nghề có hàm lượng KHCN cao. Tuy nhiên, việc thu hút, giữ chân nhân tài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, do vậy ban lãnh đạo NPCIT cũng đã xây dựng kế hoạch cho từng thời kỳ, nhằm đảm bảo lộ trình phát triển của nguồn nhân lực luôn song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Bình: Theo tôi, không có nhiều doanh nghiệp có thể “bắt kịp” những gì mà các tài năng hàng đầu trên thị trường mong muốn. Lý do là nhân tài có quyền lựa chọn điểm đến mà họ thấy phù hợp. Do đó, đơn vị tôi cũng cố gắng hết sức đưa ra các chế độ đãi ngộ tốt, hợp lý để thu hút người tài, tuy nhiên, phạm vi vẫn dành cho các nhân tài trong nước, chứ cũng chưa nghĩ tới việc thu hút nguồn nhân lực đa quốc gia.

Anh Nguyễn Hoàng Tùng: EVN nói chung và PC Hải Dương nói riêng đều dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh những quy định và cơ chế sẵn có của Tập đoàn, PC Hải Dương cũng đã tạo ra môi trường làm việc cởi mở, sáng tạo, minh bạch, tạo điều kiện để những nhân viên giỏi có cơ hội đóng góp, thăng tiến và gắn bó lâu dài với đơn vị.


  • 21/11/2018 07:23
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1814