Học cách từ chối khéo léo

Làm thế nào để từ chối mà không làm đối phương phật ý?

Nói tiếng "không" thật không dễ dàng (ảnh minh họa)

Tại sao lại khó nói "không" đến vậy?

• Thường là do chúng ta không muốn làm người khác thất vọng. Do đó, đôi khi phải làm những việc mà mình không thích.

• Nếu từ chối những người thân quen như bạn bè, đồng nghiệp hay cấp trên thì sợ thiếu lịch sự và thô lỗ.

• Chúng ta sợ phải đối mặt với những hệ lụy có thể xảy ra nếu từ chối và sợ sẽ phá vỡ mối quan hệ hiện có.

• Ngoài ra, khi nói "không", có thể sẽ mất đi những cơ hội trong tương lai, vì vậy chúng ta cứ gật đầu đồng ý và tỏ ra là mình luôn sẵn lòng. Dù thực tế chúng ta không có thời gian và cũng không thích thực hiện lời nhờ vả đó.

Những lợi ích khi biết từ chối khéo léo:

• Bạn sẽ có nhiều thời gian tập trung vào các công việc hiện tại.

• Bạn sẽ có thời gian làm những gì mình thích, dành cho gia đình, người yêu và cho cả chính bản thân.

• Bạn sẽ không phải lo lắng về những yêu cầu quá sức hoặc những điều không thích làm. Từ đó, đương nhiên tinh thần bạn sẽ thoải mái hơn.

• Thay vì bỏ ra hàng giờ làm công việc của người khác thì bạn có thể theo đuổi những sở thích và dự án mới mà mình quan tâm.

• Hơn nữa, lời từ chối của bạn có thể sẽ là cơ hội để đối phương khám phá khả năng của họ.

Làm sao để từ chối mà không làm phật ý đối phương?

Hiểu rõ bản thân

Trước tiên bạn cần hiểu rõ cảm giác cũng như khả năng đáp ứng của mình về những yêu cầu hay nhờ vả của người khác. Sau đó, đưa ra câu trả lời chính xác và chắc chắn về vấn đề đó.

Tỏ thái độ lịch sự

Nếu bạn muốn nói "không" thì hãy đưa ra một câu trả lời ngắn gọn nhưng lịch sự và nhã nhặn. Đừng tỏ ra quá thô lỗ hay gay gắt.

Đừng cảm thấy có lỗi

Nên nhớ rằng người ta đang nhờ đến sự giúp đỡ của bạn và đương nhiên bạn có quyền từ chối. Có thể sẽ có người phật ý khi bạn nói "không". Lúc đó, nhớ cố gắng bình tĩnh và giữ vững lập trường của mình, hoặc nhanh chóng cáo từ nếu người đó có dấu hiệu thô lỗ.

Giải thích rõ ràng

• Có quá nhiều việc cần làm: Nếu bạn đã quá bận rộn và không có thời gian để đảm đương thêm nhiệm vụ mới thì hãy nói lịch sự rằng lịch của bạn đã kín và rất tiếc vì bạn không thể giúp được. Bạn không cần phải đưa thêm thông tin chi tiết.

• Giờ không phải lúc: Đôi khi thật sự bạn muốn giúp nhưng thời gian lại không thích hợp. Vậy thì cứ nói rõ rằng bạn muốn lắm nhưng giờ không phải lúc. Hai người có thể cùng hẹn một giờ nào đó gặp nhau và bàn lại vấn đề đó.

• "Tôi sẽ trả lời sau": Có thể bạn cần thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có đồng ý giúp đỡ hay không. Khoảng thời gian này sẽ giúp bạn xem xét lại khả năng của mình tốt hơn.

• Đưa ra các lựa chọn khác: Nếu bạn không thích, cảm thấy không thoải mái hoặc cho rằng mình không đủ kinh nghiệm và khả năng để giúp đỡ người khác, và bạn biết một ai khác thích hợp cho yêu cầu đó thì hãy giới thiệu cho người cần giúp.

Mỗi người đều có quá nhiều việc phải lo, nào là gia đình, sự nghiệp và cả những công việc không tên khác. Cho nên nếu cứ không dám từ chối yêu cầu của người khác thì stress, quá tải và kiệt sức là điều không thể tránh khỏi.

Có thể bạn sẽ thấy vui khi được giúp đỡ mọi người, nhưng một khi khả năng không cho phép thì chắc chắn bạn sẽ không thể làm tốt được. Vì vậy, khi có ai nhờ vả hãy suy xét cẩn thận và nên nhớ rằng nói "không" chẳng có gì xấu cả.


  • 24/07/2012 10:26
  • Theo all4women
  • 3744


Gửi nhận xét