Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk.
|
Tổng hợp sức mạnh tập thể để thành công
Việc bà Mai Kiều Liên giành được vị trí nhà lãnh đạo doanh nghiệp số 1 Việt Nam do Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các doanh nhân thành đạt và Báo Nhịp cầu đầu tư bình chọn không khiến nhiều người bất ngờ bởi dưới sự lãnh đạo của bà, Vinamilk phát triển ngày càng lớn mạnh, ngay cả khi doanh nghiệp này gặp khủng hoảng. Bà Mai Kiều Liên cũng là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (bình chọn bởi Forbes).
Forbes mô tả bà Liên là người “không những xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”, sau khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2003 và bà trở thành chủ tịch hội đồng quản trị. Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì khủng hoảng thì từ năm 2011, Vinamilk lại có bước nhảy ngoạn mục để ghi tên vào danh sách các doanh nghiệp lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương. Tổng giám đốc (CEO) Vinamilk chia sẻ lý do thành công phụ thuộc rất lớn vào sự cố gắng không ngừng nghỉ, thái độ làm việc nghiêm túc của bà cũng như tập thể 5.000 CBCNV Vinamilk. Và vị "nữ tướng" này là người tổng hợp được sức mạnh của tất cả những người còn lại.
"Tôi cho rằng sẽ chẳng doanh nghiệp nào có thể thành công được ngay, mà cần phải có quá trình phấn đấu, vươn lên. Tôi nghĩ nếu thành công trong mặt quản trị, áp dụng theo mô hình quản trị quốc tế mà các doanh nghiệp ở những nước tiên tiến đã áp dụng thành công hàng trăm năm nay, mình là người đi sau thì phải "đi tắt, đón đầu", tận dụng những công nghệ đó áp dụng thành công vào doanh nghiệp của mình. Nếu áp dụng khôn ngoan và hợp lý thì tôi đoán chắc là sẽ thành công" - bà Liên chia sẻ.
Không điều hành bằng... giới tính
Nhiều người cho rằng, phụ nữ làm lãnh đạo thường khó khăn hơn nam giới bởi đặc tính chi tiết và… độ ít phóng khoáng - một đặc tính giới rõ ràng, nhưng trò chuyện với bà Mai Kiều Liên mới thấy ý kiến này… khiên cưỡng.
Bà khẳng định: "Tôi nghĩ người lãnh đạo phải có tầm nhìn. Nhưng tầm nhìn chưa đủ, cần phải có kế hoạch chi tiết để hoàn thiện tầm nhìn. Ưu điểm của phụ nữ là thường có tính chi tiết, rất lo xa, họ làm gì cũng phải nghĩ tới, nghĩ lui như nếu gặp tình huống xấu nhất thì sẽ ra sao, và xử trí như thế nào ? Còn nếu thuận lợi thì có thể đạt đến mức nào? Từ đó họ biết phòng ngừa rủi ro tốt hơn khi quản trị doanh nghiệp. Tôi rất chi tiết trong công việc, nhưng tôi không chi tiết trong quan hệ".
Việc chia sẻ quyền điều hành cho cấp dưới là điều các chủ doanh nghiệp nên làm. "Dưới tôi hiện có 5 - 6 giám đốc điều hành từng mảng công việc do tôi phân công và chịu trách nhiệm trước tôi. Chúng tôi hợp thành một khối thống nhất, chia sẻ và ủy quyền để cùng thực hiện cho đúng những chiến lược đã đề ra, dựa trên quy tắc quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi làm việc thì bàn bạc, lắng nghe ý kiến của nhau, chúng tôi rất dân chủ. Nhưng khi đã ra quyết định, không bàn ra tán vào nữa, cứ thế mà làm. Nếu anh em gặp khó khăn, họ sẽ trình với tôi và tôi sẽ là người trực tiếp cùng anh em tháo gỡ, nếu quyết định của tôi có gì không ổn, thì tôi là người đầu tiên phải sửa" bà Liên nói.
Làm lãnh đạo không nên quá độc đoán, thay vào đó là sự quyết đoán, tránh giao động sau khi ra quyết định. Văn hóa của Vinamilk là sẵn sàng lắng nghe từ toàn thể người lao động. Họ có thể gửi mail cho CEO bất kỳ lúc nào. Họ còn có hộp thư riêng để tất cả mọi người phản ánh những bức xúc và bộ phận kiểm tra có trách nhiệm trả lời những email này, ngay cả khi đó là thư nặc danh.
Bên cạnh đó, như bao phụ nữ khác, CEO của Vinamilk vẫn là một bà nội trợ trong gia đình sau những giờ làm việc căng thẳng. Chính gia đình là chốn bình yên để nữ doanh nhân nghỉ ngơi, thư giãn, giúp bà lấy lại năng lượng để làm việc hiệu quả hơn.