Trải lòng của doanh nhân nắm trong tay 20 công ty

Mười bốn tuổi vào đời bằng nghề phụ xe, 29 tuổi trở thành "ông trùm đầy quyền lực" trong giới kinh doanh, 31 tuổi bị kết án chung thân vì buôn lậu xe hơi, 37 tuổi được ân xá. Giờ đây ở tuổi 46, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải - Phạm Ngọc Lâm đã nắm trong tay 20 công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, phân phối, xây dựng, kho vận, cảng cạn, xăng dầu… với tổng tài sản hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Phạm Ngọc Lâm (bên trái) nhận giải thưởng “Ngôi sao vàng về chất lượng quốc tế” và “Ngôi sao quốc tế dẫn đầu về quản lý chất lượng” tại Thụy Sĩ - Ảnh sưu tầm.
 
Giá trị lớn nhất trong cuộc sống là sự chân thành
 
Khi được hỏi về những câu chuyện cho đi và được nhận lại, ông Lâm chia sẻ: Trải qua nhiều biến cố, tôi ngộ ra giá trị lớn nhất trong cuộc sống là sự chân thành. Chính nhờ sự chân thành mà tôi có nhiều bạn bè, sự trở lại với hôm nay cũng là nhờ bạn bè. Cách đây 20 năm, khi tôi còn làm tài xế taxi, có một anh bạn đón xe của tôi đi thi đại học ở Sài Gòn. Thấy học trò nghèo ở tỉnh lẻ, tôi không lấy tiền xe mà trên đường đi còn mời anh ta ăn uống. Sau này thành đạt, có địa vị, tình cờ gặp lại tôi, anh không quên nghĩa cử ngày xưa và chúng tôi thành bạn bè, giúp nhau rất nhiều.
 
Lần khác, có một khách hàng mất chiếc xe Dream, tôi đã cho anh ta mượn tiền để mua xe. Sau đó, lúc tôi gặp sóng gió, rao bán miếng đất 5 ha duy nhất còn lại gần xa lộ Hà Nội, người mua với giá 60 tỷ đồng chính là người đánh mất chiếc xe Dream năm xưa. Hiện giờ anh ấy đang làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TT. Khi khởi nghiệp lần thứ hai, cũng nhờ bạn bè mà công việc của tôi luôn "thuận buồm xuôi gió”. Phải nói rằng tôi là người được nhận nhiều ân tình của bạn bè, ngược lại cũng có nhiều người nói với tôi là họ không bao giờ quên những gì tôi đã làm cho họ.
 
Trong cuộc đời mỗi người ai cũng có quá khứ tốt và xấu
 
Khi được hỏi về việc ông có ngại đối tác, nhân viên biết quá khứ của mình, vị chủ tịch tập đoàn lớn này chia sẻ thẳng thắn: “Trong cuộc đời mỗi người ai cũng có quá khứ tốt và xấu, có hào quang và bóng tối, có vinh quang và sai lầm, nhưng quá khứ nào cũng cần phải khép lại để nếu tốt rồi thì phấn đấu tốt hơn nữa, còn chưa tốt thì hướng đến tương lai để tốt hơn. Song, khép lại quá khứ không có nghĩa là giấu diếm, che đậy. Tôi quan niệm sai lầm của con người là nhất thời, giá trị bản thân mới là vĩnh viễn.
 
Thế nên tôi luôn tin tưởng vào giá trị của bản thân mình, vào những gì tôi đang làm, cách tôi đang sống và sự chân thành tôi dành cho mọi người. Vì vậy, bất cứ ai đã hợp tác, làm việc với tôi, kể cả nhân viên, tôi đều muốn họ phải biết quá khứ của tôi, họ có quyền được biết về lãnh đạo của mình, lúc đó tôi mới yên tâm”.
 
Điều trăn trở trong kinh doanh
 
Ông Lâm cho biết mình trăn trở hai điều mà đến giờ vẫn chưa có lời giải: Thứ nhất là lợi ích kinh doanh mà ông mong muốn mang lại cho xã hội đến bây giờ vẫn chưa được bao nhiêu.
 
Thứ hai là tư tưởng, ý thức làm việc của người lao động hiện không có định hướng rõ ràng, cứ nay làm chỗ này, mai lại chạy qua chỗ khác, thậm chí vừa được đào tạo xong đã nhảy việc, khiến doanh nghiệp không ổn định được nhân sự và còn phải tốn kém chi phí đào tạo. Bản thân người lao động cũng bị ảnh hưởng mà họ không biết.
 
Rủi ro kinh doanh là điều khó tránh, phải chấp nhận nếu muốn đột phá
 
Khi được hỏi về việc đầu tư vào lĩnh vực thủy sản của một công bất động sản, xây dựng, ông Lâm cho biết: “Rủi ro trong kinh doanh là điều khó tránh cho bất cứ ai, nhưng phải chấp nhận nếu muốn đột phá. Có những việc tôi làm mang tính đột phá trong thời điểm nào đó, có thể so với nhu cầu của xã hội lúc đó thì chưa được ủng hộ, đón nhận nhưng chắc chắn nó sẽ có nhu cầu thực và đi vào cuộc sống”.
 
Ngoài ra, theo ông Lâm việc đầu tư vào thủy sản một phần do lợi thế của công ty về thương mại. Bên cạnh đó ông muốn đóng góp cho quê hương miền Trung. “Hiện nay ngư dân đang làm ăn đơn lẻ, năng suất thấp, ví dụ, một chiếc ghe công suất có 100 - 200 mã lực, ra khơi chưa bao xa đã hết dầu, hoặc đậu khơi 5 - 7 ngày đã hết lương thực. Bây giờ mình đầu tư quy mô lớn, có hậu cần, kỹ thuật đánh bắt công nghiệp cao thì sẽ hiệu quả hơn. Không chỉ tạo thêm lợi nhuận mà còn tạo cơ hội cho ngư dân ven biển có công việc ổn định, thu nhập cao hơn, lại hợp chủ trương của Nhà nước là vừa bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
 
"Cuộc đời tôi không có đối thủ”
 
Khi được hỏi liệu ông Lâm có ngại bị cho là ngạo mạn không, vị chủ tịch này cho biết mình không có ý so sánh người khác không bằng mình, mà đó là quan niệm của ông. Nhiều người thường cho rằng "kinh doanh là phải có đối thủ”, nhưng ông Lâm không xem những người cùng làm kinh doanh với mình là đối thủ. Với ông, trong kinh doanh chỉ có hai khái niệm đối tác hoặc không biết nhau. Đối tác thì phải giúp đỡ nhau, còn không biết nhau thì không có gì phải hại nhau.
 


  • 23/06/2014 08:33
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 1409


Gửi nhận xét