Giai thoại về người vinh danh xà bông Việt Nam: Trương Văn Bền

Sự nghiệp để lại cho đời sau của Trương Văn Bền chỉ vỏn vẹn bốn chữ "Xà bông Việt Nam", bởi sản phẩm này ra đời và tồn tại như một trong những biểu tượng tinh thần dám cạnh tranh của người Việt, một minh chứng cho sự thành công của chiến dịch “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” khi mà nền kinh tế nước nhà đang nằm trong tay ngoại bang.

 

Tỷ phú xà bông Cô Ba, Trương Văn Bền - Ảnh sưu tầm.

 
Người doanh nhân thích phục vụ đại chúng
 
Tại sao lại là xà bông, chứ không là một sản phẩm nào khác? Ông Trương Khắc Cẩn - Tổng giám đốc Công ty Trương Văn Bền và các con (trong thập niên 1970), con trai ông Bền, cho biết: “Vào năm 1930, sau khi lăn lộn trong các hoạt động kinh doanh khác, lúc bấy giờ chừng 50 tuổi, ba tôi bảo muốn hoạt động trong một ngành có tính cách phục vụ đại chúng. Có hai loại sản phẩm mà hầu như mọi người phải dùng, đó là giấy và xà bông. Ba tôi chọn xà bông”.
 
Ông Trương Văn Bền (1883 - 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Thành công có được là do ông không ngừng học hỏi, không bằng lòng với những gì đang có. Ông từng phát biểu rằng: “Trước khi bắt tay vào kinh doanh bất cứ việc gì, mình phải biết rõ việc ấy. Người Tây trước khi làm việc gì họ cũng học trước cả. Cho đến một việc đứng bán hàng, ta cho là tầm thường và tưởng ai ai cũng có thể làm được, nhưng đối với họ đó là việc quan trọng, cũng có sách có trường dạy hẳn hoi, dạy từ cách tiếp khách, khoe hàng làm sao cho người khách mua rồi còn trở lại. Như tôi đây, cơ sở vững vàng rồi mà ngày nào cũng tìm sách, tìm báo đọc thêm. Sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công”.
 
Cạnh tranh với người Pháp, người Hoa
 
Ông Trương Khắc Cẩn kể: “Ngay từ buổi đầu, công ty đã tọa lạc tại đường Kim Biên (Chợ Lớn). Ba tôi nấu xà bông trong một căn phố nhỏ theo lối tiểu công nghệ. Hồi đó việc kinh doanh sản xuất rất khó khăn và kỹ nghệ thì do người Pháp khai thác, việc phân phối do Hoa kiều làm chủ. Để có đủ nguyên liệu cho việc sản xuất, ba tôi đã tổ chức những hợp tác xã những chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho”. Bấy giờ, xà bông nhãn hiệu Xà bông Việt Nam (có hình biểu tượng là Cô Ba nên sau này người tiêu dùng quen gọi là Xà bông Cô Ba) được sản xuất hình vuông, nhiều cỡ 125 gr, 250 gr, 500 gr, mỗi cục xà bông đều có in nổi hình người phụ nữ.
 
Về sau, để hạ giá thành, ông Bền cho đổ thành cây 0,8 kg, 1 kg người mua đem về tự cắt thành bánh lớn nhỏ tùy thích. Xà bông Cô Ba bán khắp 3 nước Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với xà bông Merseille của người Pháp đang thống lĩnh thị trường. Trong thập niên 1930, công ty của ông Bền chỉ mới phân phối ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, còn lại phải nhờ đến hệ thống của người Hoa. Về sau, việc phân phối này cũng đã được cải tiến.
 
Ông Tăng Long, người làm việc cho hãng từ năm 1945 đến thập niên 1970 trên cương vị là giám đốc thương mại cho biết: “Trước năm 1959, hãng dùng các đại lý để phân phối sản phẩm đến các tỉnh. Tuy nhiên, nếu dùng đại lý thì người mua bị thiệt thòi, hãng không thể nào thực hiện được mong muốn bán giá rẻ, chất lượng tốt. Một điều bất lợi nữa là khách hàng không biết về hãng và hãng không nắm được nhu cầu của khách hàng”. Vì vậy, trong thời điểm của những năm 1959, ông Tăng Long xin phép sử dụng ngân sách của công ty gần nửa triệu đồng. Với số tiền không nhỏ này, ông Long thuê một đoàn... võ thuật đi cổ động cho sản phẩm Cô Ba từ Sài Gòn ra đến sông Bến Hải.
 
Không chỉ đến chợ mà họ còn đi vào tận các làng, xã, đến đâu là họ biểu diễn võ thuật, văn nghệ để lôi cuốn đám đông và trực tiếp bán hàng cho dân chúng. Ai mua bao nhiêu cũng bán, cốt là để người tiêu dùng quen với mặt hàng... Nhờ thế, tiếng tăm và xà bông Cô Ba ngày càng nhiều người biết đến.
 
Khơi dậy lòng tự hào dân tộc
 
Tại sao khi bắt tay vào việc lập hãng xà bông Việt Nam với mục tiêu phục vụ đại chúng, ông Trương Văn Bền lại đưa ra sản phẩm được gọi tên “Cô Ba”? Có hai lý do, thứ nhất là do vợ của ông được mọi người quen gọi cô Ba. Lý do thứ hai mới quan trọng hơn, mới là ý nguyện mà ông Bền bày tỏ một cách kín đáo về lòng tự hào dân tộc: Nhãn hiệu xà bông của ông có in hình phụ nữ búi tóc, tiêu biểu cho người con gái Nam bộ, người tiêu dùng quen gọi là cô Ba.
 
Cô Ba - con gái thầy Thông Chánh, tên thật Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh - là người dám cầm súng bắn chết tên biện lý Joboin, bị tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 và bị tử hình tại Trà Vinh. Theo bài vè thầy Thông Chánh lưu hành tại Nam kỳ đầu thế kỷ 20, thầy hành động như thế vì tay biện lý Joboin đã ve vãn vợ con mình. Nhưng chuyện thầy Thông Chánh đâu “ăn nhập” gì với cô Ba, để đến nỗi ông Trương Văn Bền in hình lên sản phẩm của mình? Yếu tố để ông Bền mạnh dạn làm điều đó vì khi thực dân đưa thầy Thông Chánh ra tòa kết án, cô đã mắng nhiếc chúng không tiếc lời, vì thương cha.
 
Hành động “nữ nhi anh hùng” của cô Ba ít nhiều có ý nghĩa tích cực khơi dậy trong quần chúng tinh thần bất khuất của dân tộc, đánh trúng vào tâm lý của những người "thấp cổ bé miệng". Nếu ông Bạch Thái Bưởi lấy tên các anh hùng dân tộc đặt cho thuyền bè của mình thì việc ông Trương Văn Bền dùng tên Cô Ba quảng bá cho sản phẩm cũng có chung một ý nghĩa. Đó là ý nghĩa vận dụng tinh thần và hành động phản kháng nhằm khai thác tinh thần tự tôn dân tộc. Trên thương trường những năm đầu thế kỷ 20, nó cũng như vũ khí sắc bén để chiến thắng đối thủ cạnh tranh.
 
Ông Trương Văn Bền là một trong số ít những doanh nhân trong thế kỷ trước đặt nền móng cho thương hiệu Việt Nam có sức cạnh tranh lớn với các thương hiệu quốc tế vào thời điểm đó. Doanh nhân thành đạt hiện tại có thể rất nhiều, nhưng những người đặt tinh thần dân tộc trong mỗi sản phẩm của mình để thành công như doanh nhân Trương Văn Bền sẽ luôn là tấm gương cho những thế hệ doanh nhân yêu nước sau này học tập. 


  • 18/04/2014 10:02
  • Tổng hợp theo Thanh niên
  • 1716


Gửi nhận xét