Toyoda Eiji và sức mạnh của tinh thần doanh nhân

Toyoda Eiji, nguyên tổng giám đốc tập đoàn ô tô hàng đầu Nhật Bản - Toyota, có được thành công nhờ phát huy cao độ tinh thần doanh nhân (entrepreneurship), tố chất quan trọng nhất của một nhà kinh doanh.

Toyoda Eiji, nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Toyota - Ảnh sưu tầm.

Thế nào là tinh thần doanh nhân?

Một lãnh đạo công ty được xem là người có tinh thần doanh nhân nếu có các đặc tính sau: Trước hết, đó là nỗ lực tìm kiếm và áp dụng cái mới, tinh thần luôn đổi mới để khám phá và sử dụng công nghệ mới. Đôi khi nhà doanh nghiệp biết biến những nghịch cảnh, những thách thức trên thị trường hay trong xã hội thành động lực để khám phá công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới.

Thứ hai là thái độ tích cực đầu tư, tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng chịu đựng rủi ro. Phát huy trí tuệ, tận dụng năng lực của nhân viên trong công ty cũng là biện pháp khám phá cái mới và tránh hoặc giảm các rủi ro.

Người có tinh thần doanh nhân không màng đến cái lợi trước mắt, có hoài bão, lý tưởng, quyết đem tài năng của mình góp phần biến cải xã hội, thay đổi được cuộc sống của mọi người. Khi đã thành công trong kinh doanh, nhà doanh nghiệp chân chính lại dùng một phần lợi nhuận vào sự nghiệp văn hoá, giáo dục, hay từ thiện.

Thứ tư, một khi kinh doanh mang đủ các yếu tố trên, nhất là yếu tố thứ ba, thì đồng thời nó thể hiện rõ tính chất đạo đức trong kinh doanh. Có thể nói, đạo đức kinh doanh là kết quả tổng hợp của ba yếu tố kể trên. Người có tinh thần doanh nhân do vậy được xã hội kính nể, công ty của họ được xã hội tin cậy và nhiều khi được xem là tài sản chung của cả xã hội.

Tất cả hội đủ ở Toyoda Eiji

Sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí - Đại học Tokyo, Eiji vào làm việc trong Công ty Toyoda Jido – Shokki. Kinh qua các chức vụ như thành viên ban giám đốc và phó tổng giám đốc, vào năm 1967, Eiji được bầu làm tổng giám đốc. Mười năm sau, khi Eiji rút lui khỏi các chức vụ có trách nhiệm trong kinh doanh và trở thành cố vấn công ty, Eiji đã xác lập triết lý, phương châm kinh doanh và phương thức sản xuất độc đáo trở thành nền móng để Toyota tiếp tục phát triển mạnh hơn ở giai đoạn sau.

Tinh thần doanh nhân của Toyoda Eiji thể hiện ở một số tình huống cụ thể sau:

Thứ nhất, tìm cách biến nghịch cảnh thành cơ hội. Trong thập niên 1970, khí thải từ ôtô trở thành vấn đề xã hội và bị dư luận phê phán. Eiji đã biến thách thức đó thành cơ hội, đã khai thác công nghệ ứng phó với môi trường và sản xuất các loại xe tiết kiệm nhiên liệu. Kết quả là xe hơi tiết kiệm nhiên liệu trở thành sản phẩm cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới sau hai cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm cho ôtô Mỹ mất sức cạnh tranh.

Thứ hai, Eiji là người xác lập “phương thức sản xuất Toyota”, thường được gọi là “just-in-time”, nghĩa là sản xuất đúng thời hạn và vừa đúng số lượng. Phương thức này tiết kiệm được phí tổn tồn kho và quản lý chất lượng từ những khâu trung gian trong quá trình sản xuất. Cũng trong nỗ lực xác lập phương thức này, Eiji chủ trương phát huy sáng kiến, ý tưởng của từng nhân viên trong công ty, từng người lao động ở hiện trường công xưởng. Ngay cả khi trở thành tổng giám đốc, ông cũng thường xuống hiện trường khảo sát và hỏi chuyện nhân viên, lao động.

Thứ ba, với ý muốn đóng góp cho xã hội, vào năm 1974, lúc đang làm tổng giám đốc, Toyoda Eiji đã lập tài đoàn Toyota Foundation, với quỹ ban đầu 10 tỉ yên, nhằm tài trợ các hoạt động hoặc nghiên cứu văn hoá, xã hội, giáo dục... Eiji là giám đốc và chủ tịch của Toyota Foundation từ lúc thành lập cho đến năm 1998 (từ đó đến khi mất ở tuổi 100 vào cuối năm 2013, ông là chủ tịch danh dự). Trong thời gian lãnh đạo tài đoàn, ông xác lập mục tiêu, phương châm hoạt động của một tổ chức không vụ lợi do một công ty sáng lập và tài trợ.

Chẳng hạn, những câu nói của ông luôn được những người kế tục nhắc lại: “Công ty Toyota được lớn mạnh như hiện nay là nhờ ân huệ của môi trường xã hội, do đó công ty phải đền đáp ân huệ đó đối với xã hội”; “Vì là trả ơn cho xã hội nên hoạt động của tài đoàn không được kêu gọi xã hội phải có gì đền đáp lại cho công ty”; “Tài đoàn phải hoạt động cho xã hội, không được hoạt động vì lợi ích của công ty”.

Muốn xây dựng thành công một đất nước có nền công nghiệp hiện đại, cần phải có những người như Toyoda Eiji.


  • 10/02/2014 11:20
  • Tổng hợp theo Sài Gòn Tiếp thị
  • 2263


Gửi nhận xét