Cân bằng công việc - cuộc sống dưới cái nhìn của những doanh nhân thành đạt

"Cân bằng công việc - cuộc sống" vẫn luôn là khúc mắc của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như người lao động. Trao đổi về vấn đề này tại tọa đàm công bố Top 100 nơi làm việc tốt nhất của mạng tuyển dụng Anphabe, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu giúp cân bằng công việc - cuộc sống.

 

Ảnh minh họa.

 
Cân bằng = Làm ra làm + Chơi ra chơi
 
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống có đồng nghĩa với việc đi làm về lúc 5 giờ?. Ông Vũ Minh Trí - CEO Microsoft Việt Nam - 1 trong những doanh nghiệp được bình chọn là "nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam" không cho là như vậy. Câu chuyện của ông Trí về ngài Jack Welch - cựu chủ tịch kiêm CEO General Electric, trong một lần trò chuyện với lãnh đạo Microsoft, đã phần nào thay đổi nhận thức của mọi người về "cân bằng công việc - cuộc sống":
 
Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Microsoft, CEO Microsoft Việt Nam hỏi Jack Welch rằng: 
 
- Ông có đang cân bằng trong cuộc sống không?
 
Jack đã trả lời: 
 
- Mọi người nghĩ thế nào là cân bằng cuộc sống? Khi đi làm thì nghĩ đến đi chơi, đi chơi lại suy nghĩ về công việc hay tranh thủ làm việc. Như vậy có gọi là cân bằng không? Một người đi làm thì nghĩ 5 giờ về đón con, lúc đi chơi thì lại mở máy tính lên kiểm tra email, vậy có giống "cân bằng" hay không? Tất nhiên là không. Cân bằng là thế này: Nếu các bạn làm việc, các bạn tập trung vào công việc. Để khi các bạn đi chơi, các bạn toàn tâm toàn ý với gia đình, người thân. Đó là một trong những điều tôi nghĩ rằng đã thay đổi nhận thức của mọi người về sự cân bằng".
 
Cân bằng công việc = Đào tạo + Trao quyền 
 
Theo bà Bùi Thị Thanh Thúy – Phó tổng giám đốc nhân sự Prudential Việt Nam, để có thể cân bằng trong công việc, có 3 giải pháp quan trọng:
 
- Xây dựng và trao quyền cho đội ngũ kế cận. Bà Thúy lấy dẫn chứng, ví như một vị CEO có thể nghỉ phép 3 tuần mà công việc kinh doanh vẫn tiếp tục trơn tru, tức là những người kế cận của CEO đó rất giỏi và bộ máy lãnh đạo đó rất mạnh. Các nhà lãnh đạo phải xây dựng được một đội ngũ mạnh từ bên dưới để hỗ trợ mình và giúp họ giữ cân bằng công việc - cuộc sống khi cần thiết.
 
- Đào tạo nhân viên: Nếu các nhân viên có đồng nghiệp giỏi, mỗi người vừa làm tốt công việc của cá nhân mình, vừa hỗ trợ người đồng hành, họ sẽ dễ dàng tìm được cân bằng công việc - cuộc sống. Một tập thể nhân viên giỏi có thể tương trợ lẫn nhau sẽ tìm ra được giải pháp cho các vấn đề, mà không cần quá nhiều chính sách của công ty.
 
- Chính sách đào tạo và phát triển cho tất cả mọi người: Cuối cùng, công ty phải có chính sách đào tạo và phát triển mạnh cho tất cả mọi người, từ quản lý các cấp cho đến nhân viên. Cấp dưới giỏi sẽ hỗ trợ tốt cho cấp trên và cả bộ máy.
 
Cân bằng không có nghĩa là "bắt" nhân viên về
 
Ông Lê Hồng Phúc - giám đốc nhân sự Samsung Việt Nam và bà Nguyễn Tâm Trang - phó chủ tịch phụ trách nhân sự Unilever Việt Nam đều cho rằng: "Cân bằng cuộc sống - công việc không phải là bắt nhân viên đi về, không cho họ làm việc".
 
"Đừng nghĩ rằng buộc nhân viên nghỉ sớm, không cho họ làm việc quá giờ là giúp họ cân bằng, nhất là khi công việc trở thành niềm đam mê của họ. Phải làm thế nào để khi nhân viên làm việc thì được tạo điều kiện làm việc tốt nhất. Khi nhân viên nghỉ ngơi, vui chơi, công ty cũng tạo điều kiện để họ vui chơi. Chúng tôi có những nhóm dự án, làm việc vất vả gần 2 tháng để hoàn thành sản phẩm cho dự án đó. Sau khi dự án thành công, công ty tạo điều kiện cho họ đi chơi thoải mái", ông Phúc chia sẻ. 
 
Chia sẻ thực tế ở Unilever, phó chủ tịch nhân sự Nguyễn Tâm Trang cho hay: "Trong công ty của tôi, quan điểm về cân bằng công việc - cuộc sống giữa mọi người rất khác nhau. Với một số người, cuộc sống của họ là công việc, họ thấy thành công trong công việc mình làm. Đó là những người còn độc thân và ở lại công ty muộn để làm việc nhóm cùng nhau. 
 
Với những phụ nữ (ở Unilever, 60% nhân sự là nữ) đã có gia đình, nhu cầu và quan niệm cân bằng lại khác. Có thể họ không cần phải về nhà lúc 5h chiều, nhưng công việc cần sự linh hoạt, ở nhà cũng có thể làm việc được. Quan trọng là cần hiểu với mỗi đối tượng thì "Cuộc sống là gì?". Mỗi người có những định nghĩa khác nhau, bởi vậy sẽ có những chính sách  khác nhau cho những nhóm đối tượng cụ thể".
 
"Công ty càng sâu sát với các nhóm đối tượng và cung cấp những chính sách cụ thể cho từng nhóm khác nhau, thì khả năng hỗ trợ chất lượng công việc - cuộc sống trên diện rộng sẽ càng tốt", bà Thanh Nguyễn - CEO Anphabe kết luận.
 


  • 05/03/2014 09:11
  • Tổng hợp theo Trí thức trẻ
  • 1595


Gửi nhận xét