Nguyễn Hữu Thái Hòa: Người ươm mầm "Giấc mơ Việt Nam"

Sau gần 3 năm ngồi ở vị trí chưa từng có tiền lệ tại FPT, tham gia dự án “Giấc mơ Việt Nam”, đào tạo những nhà quản trị trẻ ở Viện Quản trị kinh doanh FSB, vị giám đốc chiến lược 44 tuổi lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết.

Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT - Ảnh sưu tầm.

Từ câu chuyện… đôi giầy

Thời gian sống ở Pháp, Nguyễn Hữu Thái Hòa là Giám đốc văn phòng Quốc tế Vụ tại Tập đoàn Schneider Electric. Một lần vào siêu thị tại Lyon để tìm mua một đôi giầy đá bóng, anh đã vô cùng sửng sốt: “Đôi giầy thứ nhất đề "made in China” có giá 30Eu; đôi thứ 2 do Châu Âu sản xuất, giá 60 - 80Eu; đôi giầy thứ ba để ở ngăn trên, trong một cái hộp sang trọng, có giá 190Eu.Tôi cầm xuống xem, thấy nó rất đẹp, đường may tỉ mỉ, khiến tôi rất thích. Nhìn kỹ hơn, tôi giật mình sửng sốt. Đó là đôi giầy “made in VietNam”. Một đôi giày đến từ Việt Nam, được bày ở vị trí trang trọng nhất với giá bán cao nhất tại một siêu thị ở Pháp. Cảm giác tự hào là người Việt Nam trong tôi trào dâng”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ.

Từ đó, Nguyễn Hữu Thái Hòa ôm một hoài bão làm thế nào để thương hiệu Việt đạt chất lượng cao trong mắt bạn bè quốc tế. Và cũng chính từ niềm tin “chúng ta có thể làm được”, năm 2010 Thái Hòa rời bỏ chức vụ giám đốc chất lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric (Pháp) để trở về quê hương.

Đến "giấc mơ Việt Nam" cùng thế hệ trẻ

Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng việc trở về quê nhà khi tuổi nghề đã chín và tuổi đời còn sung sức là một quyết định hợp lý để đưa những kinh nghiệm mình học hỏi về xây dựng đất nước. “Giấc mơ Việt Nam” là thông điệp về một chương trình hành động cụ thể nhằm hướng đến con đường thực hiện giấc mơ doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Khởi đầu của dự án là đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cho doanh nghiệp Việt Nam. Anh chia sẻ "Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp vẫn phải là con người. Nếu có một hệ thống khung quản trị tốt, có những nhân tài thích hợp để chuyển giao cả một thế hệ lãnh đạo mới, tôi tin doanh nghiệp sẽ thành công. Và điều này phụ thuộc rất nhiều vào những doanh nhân trẻ, những người đủ tâm, tài, trí, dũng để đưa Việt Nam cất cánh".

Nói về thế hệ doanh nhân trẻ, anh thẳng thắn: "Thật sự tôi ngạc nhiên và khâm phục sự linh hoạt, cầu thị và quyết đoán của các doanh nhân trẻ. Họ hơn các thế hệ trước về kỹ năng và sự từng trải đến mức “già trước tuổi” trong một xã hội thông tin quá phong phú như hiện nay. Nguy cơ lớn nhất mà các doanh nhân trẻ đang đối diện hằng ngày là tính cách chụp giật, tư duy manh mún và “đánh quả” trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã ăn sâu vào cách nghĩ, cách làm của mọi người, mọi việc. Ngày càng ít đi những người cá tính, khó tính trong các doanh nhân trẻ vì chúng ta lờ nhờ giống nhau để cùng chờ chực cơ hội thay vì chủ động tạo ra cơ hội.

Khi thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hơi, thiếu cá tính và lý tưởng thì các doanh nhân trẻ sẽ dễ dàng thỏa hiệp, bán rẻ mình với cái xấu. Ngoài ra do luôn “biết quá nhiều” nên các doanh nhân Việt thường không chịu phân tích sâu, thiếu nghiên cứu, thiếu sự rèn luyện bản thân. Các bạn dành quá nhiều thì giờ la cà trong các cuộc nhậu, các cú làm ăn “ap-phe” theo tiêu chí ít lao động mà hưởng lợi thật nhiều, cách thành đạt bằng các phương thức này sẽ có hại cho kỹ năng và tinh thần của chính các bạn và đội ngũ doanh nghiệp".

“Bức tranh về thảm kịch 10 triệu” cũng được Giám đốc Chiến lược FPT phân tích: Nếu được trả 10 triệu/1 tháng, đừng đóng khung bản thân mình trong đó, hãy tự chứng tỏ giá trị của mình hơn thế và chắc chắn mọi điều sẽ khác rất nhiều. Đừng nghĩ lao động chỉ được đánh giá bằng mức lương người khác trả cho mình. Hãy làm việc không chỉ vì người ta trả lương mà vì cả sự lao động sẽ tích vào người bạn những giá trị”.

Một lúc tham gia nhiều vai trò, nhưng Thái Hòa thú nhận anh đã và có lẽ sẽ còn gặp thất bại, khủng hoảng trong đời: "Chỉ cần bạn nghĩ về trách nhiệm với những đứa con của mình, bạn sẽ có thêm nhiều động lực mới để vượt qua mọi thách thức. Cũng như chọn việc giảng dạy tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB, tôi muốn giấc mơ Việt Nam của mình lan tỏa đến tất cả các bạn trẻ, truyền cho họ lòng đam mê và khát vọng vươn lên. Nếu giới trẻ Việt Nam luôn tin vào khả năng của mình, chắc chắn, cả dân tộc sẽ thay đổi”. 


  • 24/03/2014 02:20
  • Tổng hợp theo Tạp chí doanh nhân
  • 1724


Gửi nhận xét