Quên đi hình ảnh một nhà lãnh đạo lịch lãm trong bộ comple tối màu và chiếc cặp đắt tiền, chỉ với đôi chân trần, mái tóc muối tiêu, Steven Jobs từng khiến toàn bộ khán phòng vỡ òa, thuyết phục ngay cả những người nghe khó tính nhất khi ông say sưa giới thiệu chiếc iphone đầu tiên ra thế giới.
Ghi danh vào huyền thoại, mỗi CEO có thể mang những hình ảnh khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là biết cách tạo ra niềm tin, hun đúc nhiệt tình và dẫn truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Đó cũng là “vũ khí” để họ xây dựng cho mình một đội ngũ cộng sự luôn sẵn sàng cống hiến và không bao giờ đơn độc trong các cuộc chiến khốc liệt chốn thương trường.
Andrew Carnegie (1835 – 1919), ông vua thép của nước Mỹ thế kỷ XIX- Ảnh sưu tầm.
|
Tạo cảm hứng từ những hành động nhỏ…
Cảm hứng làm việc của mỗi nhân viên TD Industries (Công ty cung cấp dịch vụ cơ khí hàng đầu nước Mỹ) luôn xuất hiện trong giây phút họ đi bộ qua bức tường lớn làm bằng gỗ sồi tại đại sảnh của Công ty, nơi mà hàng nghìn bức chân dung của bao thế hệ nhân viên làm việc tại đây được trưng bày một cách trang trọng, ngay ngắn. Đó cũng là lời tri ân mà Harold MacDowell, CEO của hãng này gửi đến mỗi nhân viên của mình.
Tạp chí Fortune đã bình chọn TD Industries là một trong “100 nơi tốt nhất để làm việc” trên thế giới. Điều đó không chỉ minh chứng cho tầm nhìn sáng tạo của Harold MacDowell mà còn thể hiện khả năng chia sẻ và truyền dẫn tầm nhìn đó cho cả hệ thống, để ý tưởng của ông phát triển thành những dịch vụ được hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới ưa thích. Chương trình "bình đẳng" của TD Industries vượt xa mọi chính sách PR, các slogan hay poster thông thường.
Ông coi mỗi nhân viên là một đối tác và khuyến khích mọi người dùng câu cảm ơn hay nụ cười rạng rỡ trong công việc hằng ngày. Ở đây, bạn cũng sẽ không tìm được bãi đỗ xe nào dành riêng cho các giám đốc bởi với ông “mọi nhân viên đều bình đẳng như nhau và giá trị tổn tại của họ phải được xây dựng từ ngay chính những điều nhỏ nhất mà bạn có thể làm cho họ”.
Phép thuật từ những lời khen
Andrew Carnegie (1835 – 1919), ông vua thép của nước Mỹ thế kỷ XIX, được ngợi ca là vị tỷ phú tạo ra rất nhiều triệu phú bởi phong cách điều hành và quản lý nhân viên tuyệt vời của ông. Trở thành chủ doanh nghiệp sản xuất thép Pittsburgh’s Carnegie khi mới 26 tuổi, công việc kinh doanh của vị tỷ phú này khởi đầu rất vất vả. Tuy vậy, khi công ty thu được những lợi nhuận đầu tiên, Andrew Carnegie không sử dụng riêng cho mình, mà dùng khoản tiền đó nâng cao đời sống của toàn bộ công nhân trong nhà máy.
Thành công của Andrew Carnegie trong ngành công nghiệp thép không tách rời khả năng dùng người tinh tế của ông. Trải qua tuổi thơ nghèo khó, Carnegie chỉ được đi học bốn năm nên mức độ am hiểu về ngành thép của ông không nhiều, nhưng ông lại sở hữu một đội ngũ cộng sự đầy tài năng và nhiệt huyết.
Ngay khi mới 10 tuổi, ông đã phát hiện ra tầm quan trọng của việc gọi đúng tên nhân viên sẽ đạt được sự hợp tác nhiệt tình, hiệu quả như thế nào từ người đó. Chính vì vậy, vị CEO này luôn tự hào mình có thể nhớ được tên hàng trăm nhân công và khẳng định ngày nào ông còn đích thân chỉ huy đơn vị thì ngày đó công ty sẽ không có bất kỳ cuộc đình công nào.
Andrew Carnegie không kiệm lời khen nhân viên của mình "Xung quanh tôi có nhiều trợ thủ, họ hiểu biết hơn tôi nhiều. Công việc của tôi chỉ là đốc thúc họ góp nhặt thật nhiều tiền. Nếu lấy đi hết công xưởng, thiết bị, thị trường và toàn bộ tiền bạc của tôi, nhưng chỉ cần để lại nhân viên trong tổ chức của tôi, thì bốn năm sau, chúng tôi vẫn sẽ trở thành ông vua thép như trước”. Carnegie động viên những cộng sự của mình ngay cả khi ông chết, trên bia mộ còn khắc dòng chữ: “Đây là nơi an nghỉ ngàn thu của một người biết tổng hợp sức mạnh của những người thông minh hơn mình”.
Giá trị của việc khuyến khích tinh thần làm việc cho nhân viên được các CEO trên thế giới coi như chìa khóa thành công trong mỗi tổ chức. Và với câu chuyện được kể bằng cuộc đời lãnh đạo của chính mình, họ lại truyền đi một niềm cảm hứng bất tận cho rất nhiều thế hệ mai sau.