Cùng với việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh..., thì kết quả mang lại từ Chương trình đưa điện về nông thôn ở Sóc Trăng những năm qua đã thật sự trở thành một động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này.
Tôi trở lại các huyện vùng sâu Vĩnh Châu và Ngã Năm, qua lời giới thiệu của Lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng về thành công của công tác điện khí hóa nông thôn.
Lúc này, bà con nông dân đang tích cực cải tạo đất để xuống giống lúa, làm rẫy và cải tạo lại ao để chuẩn bị nuôi tôm. Có điện rồi, nông dân có điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Tại huyện Vĩnh Châu, xuống địa bàn các ấp Châu Khánh, Kinh Mới Đông thuộc xã Khánh Hòa, tôi tận mắt được chứng kiến hàng loạt điện kế mới mà ngành Điện huyện đã tiến hành lắp đặt cho các hộ nghèo.
Anh Nguyễn Hồng Kỳ - Phó giám đốc Điện lực Vĩnh Châu, “hướng dẫn viên” chuyến đi này khẳng định: “Đường giao thông ở đây bây giờ tốt lắm rồi, đường liên ấp liên xã thông thoáng, tương đối phẳng, dễ đi lắm. Cùng với việc đầu tư xây dựng đường sá thì việc đầu tư đường dây điện hạ thế đã giúp bà con được “sáng cái đầu, no cái bụng”, tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật phổ biến trên đài, tivi. .Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính, ngụ tại ấp Châu Khánh hồ hởi tâm sự:. “Tôi rất cảm ơn ngành Điện đã quan tâm và kéo điện về cho gia đình. Có điện thì người lớn khỏe một, còn tụi con nít khỏe đến mười vì chúng được học hành thoải mái dưới ánh sáng của bóng đèn điện mà không sợ cảnh hết dầu giữa chừng như trước đây”.
Theo Phòng Công Thương huyện Vĩnh Châu, đến nay các khu tái định cư và 100% xã, thị trấn trên địa bàn Huyện đã có lưới điện quốc gia.
Chia tay Vĩnh Châu, tôi lại lên đường ngược về huyện vùng sâu Ngã Năm. Với tôi, mỗi lần về công tác tại huyện Ngã Năm là mỗi lần cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” đến lạ kỳ của Huyện anh hùng này. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là sự phát triển của dòng điện. Điện đã thực sự trở thành món quà tinh thần vô giá cho người dân. Vừa lắp được điện để sinh hoạt, chú Danh Út, ngụ tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Quới, xúc động cho biết: “Mong ước có điện bao năm nay của gia đình tôi nay đã trở thành hiện thực. Từ đây, con cháu trong gia đình tôi đã có điều kiện sinh hoạt, học hành tốt hơn. Có điện rồi gia đình nhất định sẽ cố gắng làm ăn để mua sắm tivi, đầu đĩa, nồi cơm điện phục vụ sinh hoạt trong gia đình”.
Từ đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có thêm hơn 219 ngàn hộ dân thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa được dùng điện lưới quốc gia, nâng tổng số hộ được sử dụng điện trong toàn Tỉnh lên 277 ngàn hộ.
Ông Nguyễn Văn Hợp - Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, phấn khởi cho biết: “Hiện nay, Tổng công ty đang triển khai thực hiện các dự án điện nông thôn, góp phần phục vụ dân sinh, nâng cao đời sống của bà con, trong đó có Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2008 đến năm 2011. Sau khi Dự án hoàn tất sẽ có thêm 20.192 hộ gia đình được sử dụng điện, nâng tỷ lệ số hộ có điện trên địa bàn toàn tỉnh đạt 96 %, tỷ lệ hộ gia đình người Khmer có điện đạt trên 94 %”.
Dự án sẽ tạo điều kiện để địa phương thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu phát triển vững mạnh về kinh tế, ổn định vững chắc về an ninh, thúc đẩy thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân người Khmer.
Dự án cấp điện cho các thôn buôn dân tộc Khmer:
- Tổng mức đầu tư: 319 tỉ đồng (trong đó, 85% vốn ngân sách Nhà nước, 15% vốn Tập đoàn Điện lực Việt Nam)
- Đầu tư cho 85 xã có thôn buôn người Khmer
- Cải tạo và nâng cấp: 303 km đường dây 22 kV
- Xây dựng mới: 626,5 km đường dây 0,4 kV, 499 trạm biến áp với tổng dung lượng 10.760 kVA
|