“Năm nay nhà tôi có Tết rồi”

6 giờ sáng, trời còn chưa tỏ, giá rét và sương mù vẫn phủ dầy đặc trên mặt hồ Thủy điện Hòa Bình. Nhưng trên tàu, 1 tấn gạo và rất nhiều hàng hóa nhu yếu phẩm, quần áo, sách vở,… đã được bốc xếp gọn gàng. Chúng tôi - các đoàn viên thanh niên từ Công ty Thủy điện Hòa Bình, Trung tâm Thông tin Điện lực và Ban Quản lý Đầu tư và Kinh doanh tòa nhà EVN - đã sẵn sàng cho một ngày ngược dòng sông Đà để mang Tết đến với bà con xã nghèo nhất của tỉnh Hòa Bình - những người đã nhường đất xây dựng thủy điện.

Mang quà Tết đến với bà con xóm Chông, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Ấm áp tình người ở xã nghèo nhất huyện

Trong hành trình này, chúng tôi đã đi xuyên qua các bản làng của xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, từ những nơi chưa có đường bộ như xóm Nhạp, xóm Chông đến những vùng xa xôi, hẻo lánh như xóm Hạ, xóm Hồm. Tận mắt chứng kiến cái khó khăn của bà con nơi đây, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng đáng quý của tuổi trẻ ngành Điện.

Khi tàu cập bến cuối cùng của hành trình – cách Thủy điện Hòa Bình chừng 50 km đường thủy - thì đồng hồ đã chỉ hơn 12 giờ trưa. Nắng nóng, hanh hao, bỏng rát. Còn chừng 6 km nữa mới đến trung tâm xã Đồng Ruộng.

Con đường bê tông mới vẫn chưa hoàn thiện, nhiều chỗ đầy đá hộc, đá dăm. Càng đi, dốc càng cao, quanh co, khúc khuỷu vậy mà anh tài xế điều khiển chiếc ô tô tải được xã điều động tới chở hàng vẫn “lướt” đi như gió. Trên thùng xe, các anh chị em hò nhau giữ chặt hàng hóa, còn người thì đành “phó mặc” mà đổ dúi dụi  mỗi khi vào  cua… Đến UBND xã, sau cuộc gặp nhanh chóng với chính quyền địa phương, đoàn chia thành từng tốp nhỏ để mang quà đến tận nhà cho người dân.

Tôi, cổ đeo máy ảnh, tay kẹp thùng mì, mau mắn nhảy lên chiếc xe máy của anh Nguyễn Hải Dương (Công ty Thủy điện Hòa Bình) vừa được chất đầy gạo và quà để cùng nhóm đi vào xóm Hồm. Ì ạch mãi cũng vượt qua gần 7 km dốc núi gập ghềnh toàn “sống trâu” và “ổ voi”. Dù xe dằn xóc tung người, tôi tự nhủ vẫn may mắn chán vì trời nắng còn đi xe được chứ ngày mưa thì chỉ có nước cuốc bộ.

Ngôi nhà sàn lợp mái tôn nhỏ xíu, tuềnh toàng của chị Lường Thị Sương nằm chênh vênh trên sườn đồi cuối xóm Hồm. Đứa con gái đầu lòng của chị bị bệnh tâm thần, ngồi chắn ngay cửa ra vào, đầu tóc rũ rượi, khi thì cười nói một mình, lúc lại trợn mắt nhìn khách, nghiến răng nghiến lợi lảm nhảm hàng tràng dài bằng tiếng Mường. Chị rơi nước mắt phân trần: “Nó không biết gì, suốt ngày phá phách nên tôi đành phải buộc chân lại…” Trong nhà chị Sương chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài mấy tấm chăn bông cũ và vài bao tải ngô. Các tấm liếp nhà đã cũ mọt, gãy từng mảng, trống hoác. Đứng trong nhà mà gió cứ lùa vào hun hút.

2 tay vòng ra sau giữ cậu con trai nhỏ rụt rè nấp sau lưng, chị nhìn đứa con gái điên dại của mình rồi kể: “Bố nó chết khi nó mới lên 8, từ đó 4 mẹ con tôi chỉ có bữa rau, bữa cháo mà sống đến giờ”. Cậu con trai thứ là lao động chính, đi làm cốp-pha thuê ở Hà Nội vẫn chưa về. Tết này chị còn đang chưa biết bấu víu vào đâu thì bỗng nhiên có người lạ đến tận nhà trao cho 2 yến gạo, lại cho con chị rất nhiều bánh kẹo mà nó ít khi được thấy. Chị Sương khóc. Bàn tay chị đen đúa vội vàng gạt những giọt nước mắt không ngừng lăn trên khuôn mặt khắc khổ. Chị nắm chặt lấy tay những người khách lạ, nghẹn ngào không nên lời: “Xin cảm ơn, cảm ơn rất nhiều”.

Người dân phấn khởi mang quà về nhà

Nghĩa tình với bà con vùng lòng hồ

Những gia đình nghèo khó như chị Sương không hiếm gặp ở đây. Đó là hoàn cảnh của cụ Lò Văn Khò ở xóm Thượng, nay đã 77 tuổi, chân trái bị khuyết tật nên đi lại rất khó khăn.

Cụ sống đơn độc trong căn nhà lẽ ra chỉ đáng gọi là túp lều. Mùa đông miền núi rét căm căm nhưng ngoài tấm chăn cũ rách lỗ chỗ, cụ Khò không có nổi một manh chiếu mà trải lên tấm phản gỗ cho đỡ lạnh. Rồi đến gia đình cụ Lường Đức Loan, 78 tuổi, ở xóm Hạ. Vì nghèo quá nên con cái tứ tán khắp nơi làm thuê, làm mướn kiếm miếng ăn.

Trong vườn chỉ có ít đám sắn còn trơ thân khô khốc, còi cọc. Biết Tết lại đến rồi đấy nhưng lấy đâu ra tiền mà sắm sửa. Thế mà hôm nay, có mấy thanh niên tầm tuổi con cháu của cụ cứ lũ lượt vác gạo, dầu ăn, mắm muối, bánh kẹo vào nhà. Cụ Loan phấn khởi quá, tay cứ vỗ vỗ bịch gạo, miệng thì xuýt xoa: “Thế là năm nay nhà tôi có Tết rồi”.

Anh Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Thủy điện Hòa Bình chia sẻ, đây là năm thứ hai, Đoàn Thanh niên Công ty Thủy điện Hòa Bình tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo”. Năm nay, trong vòng 2 tuần, cán bộ công nhân viên toàn Công ty đã quyên góp ủng hộ được hơn 40 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật khác như quần áo, sách vở,...

Cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức từ Đoàn Thanh niên Trung tâm Thông tin Điện lực và Ban Quản lý Đầu tư và Kinh doanh tòa nhà EVN, anh Tùng cho biết: "Thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân của thế hệ trẻ người làm điện đến những người dân cách đây gần 30 năm đã rời quê hương, bản quán để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Hòa Bình, cho chúng ta nguồn sáng đến hôm nay."

Khi đoàn đã trao hết quà đến tận tay người dân thì nắng cũng đã nhạt màu ở Đồng Ruộng. Chúng tôi rời đi với những cái ôm thật chặt và ấm áp thân tình của các mế già, trong tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ nhỏ đang chia nhau gói kẹo mới. Quãng đường trở về dường như ngắn lại. Niềm vui rạng rỡ trên gương mặt của mỗi thành viên trong đoàn. Những người thanh niên tình nguyện này đã kịp mang không khí xuân về với những gia đình nghèo nhất ở xã nghèo này trước khi năm mới gõ cửa.


Ông Lương Duy Lập - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đồng Ruộng:

Món quà hảo tâm của các đơn vị ngành Điện dành cho bà con là đáng quý lắm. Gần 100 hộ nghèo của xã đã phần nào bớt đi nỗi lo về cái ăn trong những ngày đầu năm mới sắp tới. Thay mặt bà con, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo các đơn vị, nhất là các bạn thanh niên đã không quản ngại vất vả mang niềm vui đến cho dân nghèo.

Chương trình "Tết vì người nghèo năm 2014"

- Diễn ra ngày 22/1/2014

- Do Đoàn Thanh niên Công ty Thủy điện Hòa Bình, Đoàn Thanh niên Trung tâm Thông tin Điện lực và Ban Quản lý Đầu tư và Kinh doanh tòa nhà EVN phối hợp thực hiện.

- Trao 100 suất quà Tết gồm gạo và các nhu yếu phẩm (trị giá hơn 300 nghìn đồng/suất) tại xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

- Trao 20 học bổng (300 nghìn đồng/suất) tại Trường Tiểu học và Trung học Đồng Ruộng

 


  • 23/01/2014 02:21
  • Hoàng Tuyết - Hồng Hoa
  • 3297


Gửi nhận xét