Còn theo Từ điển Thesaurus – Từ điển Đồng nghĩa – Trái nghĩa, “ tôi” là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và với những cá nhân khác. Nhiều “cái tôi” trong một hay nhiều mối quan hệ chung sẽ có “cái chúng ta” hiện hữu khách quan bao trùm lên các “cái tôi” ấy. “Cái tôi” kinh khủng lắm, người ta bảo sau khi con người chết đi thì “cái tôi” phải 3 ngày sau mới mất!...
Nói vui thế thôi, trong cơ quan, công sở, doanh nghiệp, cái “chúng ta” đại diện cho quyền lợi, ý chí chung, giá trị cốt lõi của cơ quan đơn vị, thể hiện được nguyện vọng chung của nhiều “cái tôi” và cũng là mục đích cuối cùng để nhiều “cái tôi” hướng tới phấn đấu.
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp, nhưng vẫn còn tồn tại không ít “cái tôi” đã vượt lên lấn át cả cái “chúng ta”. Họ là những người có chức, có quyền, nên nhiều khi lạm dụng quyền dân chủ, luôn cho rằng, ý kiến của mình là ý kiến chỉ đạo, không ai có quyền góp ý... Ở vị trí nhân viên cũng có người xem “cái tôi” của mình là “vô đối”, dẫn đến từ lời nói, thái độ trong quan hệ giao tiếp luôn tỏ ra “vượt trội”, gây chướng tai gai mắt, đôi khi đi ngược lại với mục tiêu của cơ quan và cái kết thường dẫn đến hành động vô kỷ luật, đối trọng với “cái chúng ta”.
Trong cơ quan, doanh nghiệp, thông qua mối quan hệ giao tiếp hàng ngày, chúng ta dễ nhận thấy, việc làm, nền tảng văn hóa của từng thành viên trong cơ quan, đơn vị, từ đó phát hiện ra nhiều “cái tôi” tích cực và những “cái tôi” cần phải uốn nắn, điều chỉnh.
Người nào có “cái tôi” lớn quá sẽ dẫn đến tự tôn, tự đại, huênh hoang, kiêu ngạo và không tôn trọng ý kiến tập thể. Ngược lại, có người không nhận biết vị trí “cái tôi” của mình trong “cái chúng ta” thì lại mất tự tin, e dè, mặc cảm không dám phát ngôn, góp ý, dựa dẫm vào người khác, lúc ấy “cái tôi” trở nên mờ nhạt trong cuộc sống, công việc. Điều quan trọng là phải biết mình là ai và đặt “cái tôi” ở đâu cho đúng chỗ!