Nên "cải tiến" cách xưng hô nơi công sở

LTS: Sau khi chủ đề trao đổi về "Cách xưng hô nơi công sở" được đăng tải, BBT chuyên mục Văn hóa EVN đã nhận được khá nhiều comment thảo luận về vấn đề này. Có bạn đọc cho rằng nên thay đổi, nhưng cũng có ý kiến phản đối. Dưới đây, chúng tôi trích đăng tải ý kiến của anh Nguyễn Anh Khường - Công ty Điện lực Kiên Giang.

Hiện nay ở cơ quan, doanh nghiệp, việc xưng hô thân mật theo kiểu gia đình giữa các đồng nghiệp, giữa cấp trên - cấp dưới rất tùy tiện, thiếu khoa học. Những cán bộ trẻ thường xưng cháu, con và gọi cán bộ lớn tuổi bằng bác, chú, cô…

Tính chất gia đình trong cách xưng hô khi giao tiếp vô hình chung sẽ khiến các thành viên trong doanh nghiệp trước khi nói và làm thường phải suy nghĩ trước sau để không trái ý các bậc chú, bác. Đã là cháu, con thì phải vâng lời cha, mẹ, chú, bác. Dù có suy nghĩ, ý kiến riêng hay ho hơn thì vẫn là của cháu - con, không thể vượt qua cha chú được. Thành ngữ có câu: “Trứng đòi khôn hơn vịt”, “Cá không ăn muối, cá ươn, con cãi cha mẹ, trăm đường con hư”... Do đó, những người có tính đột phá, thích sáng tạo, thích tìm tòi thường phải tự đẽo gọt mình cho vừa với khuôn khổ của cộng đồng mà họ là thành viên trong đó.

Cách xưng hô chú, bác, dì, cậu, con, cháu…nơi công sở mang đậm dấu ấn “văn hóa lúa nước”, gây khó khăn trong quá trình phát triển “hiện đại hóa, công nghiệp hóa”. Các cháu, các con khó thay đổi các nguyên tắc cũ, cứ thế “xưa bày nay làm”, từ đó triệt tiêu sự phản biện, sáng tạo cái mới. Thấy các lão làng, cây cao bóng cả có hành vi, có tư tưởng không đúng cũng không dám phê phán.

Cách xưng hô trong công sở, doanh nghiệp phải nói lên vị thế của người đối thoại, tạo ra sự bình đẳng trong suy nghĩ và hành động. Muốn tạo lập được môi trường giao tiếp ứng xử văn hóa và bình đẳng, phát huy hết năng lực sáng tạo của người lao động, cần phải đổi mới cách xưng hô. Theo tôi nên xưng hô: Tôi – anh/chị, tôi – ông/bà.

Có người cho rằng, anh em cùng cơ quan thân thiện, chia ngọt sẻ bùi, ai lại xưng hô tôi - anh nghe khô cứng quá. Đó là quan niệm cũ, cần thay đổi.

Khi xây dựng các chuẩn mực trong văn hoá doanh nghiệp, Quy tắc “Ứng xử nội bộ” trong bộ tài liệu văn hoá của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) có ghi rõ: Thực hiện theo tôn chỉ của EVN “Gia đình EVN trên thuận, dưới hòa”, thực hiện nếp sống văn hóa mọi lúc, mọi nơi, mọi hành động. Trong quy tắc “Văn hóa chào hỏi” cũng quy định cách thức chào, thời điểm chào theo các đối tượng khác nhau như sau:

Đối tượng

Cách thức chào

Thời điểm chào

Khách hàng /Đối tác

Xin chào Ông/Bà (Anh/Chị)

Tạm biệt Ông/Bà (Anh/Chị)

Bắt tay, cười và chào

Khi khách hàng đến

Khi khách hàng về

Cấp dưới chào cấp trên

Chào Anh/Chị

Khi gặp lần đầu trong ngày

Đồng nghiệp

Xin chào Anh/Chị/Em

Khi gặp lần đầu trong ngày

Văn hóa EVN với bộ quy tắc ứng xử về “Văn hóa giao tiếp” là chuẩn mực giao tiếp cho CBCNV, đảm bảo những nguyên tắc về văn minh nơi công sở.


  • 06/12/2011 11:00
  • Nguyễn Anh Khường
  • 6109


Gửi nhận xét